Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Chùa Thiên Mụ


Truyền thuyết kể rằng, khi Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên phía đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại. Hỏi ra mới biết, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê. Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh“. Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn (núi Thiên Mụ). Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng dường như cùng bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng. Ông cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là “Thiên Mụ Tự“ (chùa Thiên Mụ).


Toàn cảnh chùa Thiên Mụ
Trong thực tế, ở đây đã từng tồn tại một ngôi chùa của người Chàm - di tích được nhắc đến trong sách Ô châu cận lục của Dương Văn An vào năm 1553. Nhưng phải đến năm 1601 với quyết định của chúa Nguyễn Hoàng, chùa mới chính thức được xây dựng.

Theo đà phát triển và hưng thịnh của Phật giáo xứ Đàng Trong, chùa được xây dựng lại quy mô hơn dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Năm 1710, chúa cho đúc một chiếc chuông lớn có khắc một bài minh trên đó. Đến năm 1714, chúa lại cho đại trùng tu chùa với hàng chục công trình kiến trúc hết sức quy mô như điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, phòng Tăng, nhà Thiền... mà nhiều công trình trong số đó ngày nay không còn nữa. Ông còn đích thân viết bài văn bia nói về việc xây dựng các công trình kiến trúc ở đây, ca tụng triết lý của đạo Phật, ghi rõ sự tích Hòa thượng Thạch Liêm - người có công lớn trong việc giúp chúa Nguyễn chấn hưng Phật giáo ở Đàng Trong. Bia được đặt trên lưng một con rùa đá rất lớn, trang trí đơn sơ nhưng tuyệt đẹp.
Với quy mô được mở rộng và cảnh đẹp tự nhiên, ngay từ thời đó, chùa Thiên Mụ đã trở thành ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong. Trải qua bao biến cố lịch sử, chùa Thiên Mụ đã từng được dùng làm đàn Tế Đất dưới triều Tây Sơn (khoảng năm 1788), rồi được trùng tu tái thiết nhiều lần dưới triều các vua nhà Nguyễn. Năm 1844, nhân dịp mừng lễ “bát thọ“ (mừng sinh nhật thứ tám mươi) của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (vợ vua Gia Long, bà nội của vua Thiệu Trị), vua Thiệu Trị kiến trúc lại ngôi chùa một cách quy mô hơn: xây thêm tháp Từ Nhân (sau đổi là Phước Duyên), đình Hương Nguyện và dựng 2 tấm bia ghi chép thơ văn của nhà vua.
Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp cao 21m, gồm bảy tầng, được xây dựng ở phía trước chùa. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng. Phía trước tháp là đình Hương Nguyện.
Chùa Thiên Mụ được xếp vào hai mươi thắng cảnh đất Thần Kinh với bài thơ “Thiên Mụ chung thanh” do đích thân vua Thiệu trị sáng tác và được ghi vào bia đá dựng gần cổng chùa. Năm 1862, dưới thời vua Tự Đức, để cầu mong có con nối dõi, nhà vua sợ chữ “Thiên“ phạm đến Trời nên cho đổi từ “Thiên Mụ” thành “Linh Mụ” (Bà mụ linh thiêng). Mãi đến năm 1869, vua mới cho dùng lại tên Thiên Mụ như trước. Bởi vậy trong dân gian, người ta vẫn dùng cả hai tên khi muốn nhắc đến chùa này.
Trận bão khủng khiếp năm 1904 đã tàn phá chùa nặng nề. Nhiều công trình bị hư hỏng, trong đó đình Hương Nguyện bị sụp đổ hoàn toàn. Qua nhiều đợt trùng tu lớn nhỏ, ngoài những công trình kiến trúc như tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm... cùng bia đá, chuông đồng, chùa Thiên Mụ ngày nay còn là nơi có nhiều cổ vật quí giá không chỉ về mặt lịch sử mà còn cả về nghệ thuật. Những bức tượng Hộ Pháp, tượng Thập Vương, tượng Phật Di Lặc, tượng Tam Thế Phật... hay những hoành phi, câu đối ở đây đều ghi dấu những thời kỳ lịch sử vàng son của chùa Thiên Mụ.
Trong khuôn viên của chùa là cả một vườn hoa cỏ được chăm sóc vun trồng hàng ngày. Ở đó, hòn non bộ của vị tổ nghề hát tuồng Việt Nam Đào Tấn được đặt gần chiếc xe ô tô - di vật của cố Hòa thượng Thích Quảng Đức để lại trước khi châm lửa tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963. Cuối khu vườn là khu mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu, vị trụ trì nổi tiếng của chùa Thiên Mụ, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho những hoạt động ích đạo giúp đời.
Tọa lạc bên bờ sông Hương thơ mộng của miền Trung, chùa Thiên Mụ với kiến trúc cổ kính đã góp phần điểm tô cho bức tranh thiên nhiên nơi đây càng thêm duyên dáng, thi vị. Tiếng chuông chùa như linh hồn của Huế, vang vọng mãi theo dòng nước sông Hương chảy qua trước Kinh Thành, xuôi về cửa biển, đọng lại trong lòng khách phương xa đến Huế một nỗi niềm vương vấn chốn Thiền Kinh.
Huỳnh Thị Anh Vân

Phu Văn Lâu


Trên trục chính của Hoàng thành Huế, từ Kỳ đài nhìn ra sông Hương có hai công trình kiến trúc rất duyên dáng tô điểm cho bộ mặt của Kinh thành Huế. Một trong hai công trình ấy là Phu Văn Lâu.
Vào đầu thời Gia Long (1802-1819), đây chỉ là một toà nhà nhỏ có tên Bảng đình, dùng làm nơi công bố các chiếu thư, chỉ dụ của nhà vua hoặc các bảng thi Hội, thi Đình cho dân chúng. Năm 1819, Bảng đình được thay thế bằng một toà kiến trúc hai tầng mái với

Phu Văn Lâu
16 cây cột, xung quanh không có vách, tạo nét thanh tú và độc đáo với tên gọi là Phu Văn Lâu. Phu Văn Lâu còn là nơi ban phát lịch hoặc các sinh hoạt vui chơi dành cho dân chúng do triều đình tổ chức...Thời Minh Mạng, nhà vua quy định sau khi các chiếu thư được tuyên đọc ở Ngọ Môn hoặc điện Thái Hoà sẽ được đặt trên long đình, có che lọng và quân lính theo hầu hai bên để đưa ra niêm yết tại Phu Văn Lâu. Các quan hàng tỉnh và hương lão phải đến quỳ lạy trước chiếu thư.

Hai bên mặt trước Phu Văn Lâu có đặt hai khẩu súng thần công nhỏ bằng đồng hướng vào nhau. Để tỏ lòng tôn trọng nhà vua và những văn bản được niêm yết trong Phu Văn Lâu, trước đây có hai tấm bia "Khuynh cái hạ mã" ở hai bên công trình, quy định ai đi qua đây cũng đều phải nghiêng lọng, xuống ngựa.

Gần bên phải Phu Văn Lâu còn có tấm bia trên khắc bài thơ "Hương giang hiểu phiếm” nói về cảnh đẹp của sông Hương, một trong hai mươi thắng cảnh đất thần kinh mà vua Thiệu Trị đã ca ngợi. Phu Văn Lâu đã được tu bổ nhiều lần nhưng vẫn giữ nguyên cốt cách đặc trưng của kiến trúc thời Nguyễn. Để tạo điều kiện cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích độc đáo này, công trình đã được lập hồ sơ xin công nhận di tích lịch sử-văn hoá cấp quốc gia.

Hổ Quyền

Như ý nghĩa mà hai chữ Hổ Quyền bao hàm, đây thực sự là một chuồng nuôi hổ. Song bên cạnh đó, nó còn có chức năng của một đấu trường hết sức độc đáo mà theo sự hiểu biết của chúng tôi thì không hề có ở bất cứ nơi đâu trên thế giới: đấu trường của những cuộc tử chiến giữa voi và hổ.


Sự hình thành Hổ Quyền dưới triều Nguyễn có thể nói là hệ quả tất yếu của một loạt sự kiện xảy ra trong một quá trình lịch sử dài đến mấy trăm năm. Những trận đấu giữa voi và hổ được tổ chức sớm nhất có tư liệu ghi chép lại là vào thời các chúa Nguyễn (1558-1775). Tất nhiên không phải tổ chức ở Hổ Quyền vì bấy giờ công trình này chưa được xây dựng. Một học giả người Pháp là Pierre Poivre cho biết ông đã từng thấy những trận đấu giữa voi và hổ do chúa Nguyễn tổ chức ở đảo Dã Viên trên sông Hương. Ông cũng kể thêm là vào năm 1750, có một lần chúa Nguyễn Phúc Khoát cùng với triều thần đi trên 12 chiếc thuyền đến hòn Dã Viên để xem một cuộc đấu không tiền khóang hậu giữa voi và hổ. Đây có lẽ là trận đấu khủng khiếp và đẫm máu nhất trong lịch sử. Các khán giả đã chứng kiến từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc, khi mà 40 con voi đã tàn sát đến con hổ cuối cùng trong số 18 con được thả ra làm vật tế thần trong ngày hội.


  Đến thời các vua Nguyễn, người ta cũng thường tổ chức những cuộc đấu giữa voi và hổ và xem đó là những ngày hội lớn cho cả triều đình và dân chúng. Song trong giai đoạn đầu vì chưa có một đấu trường hẳn hoi để đảm bảo tính an toàn nên những sự cố vẫn thường xảy ra. Ví như dưới thời vua Gia Long, trong một trận đấu được tổ chức ở bãi đất trống phía trước Kinh Thành, giới hạn bằng một hàng rào lính tráng cầm khí giới đứng vòng quanh bảo vệ, một con hổ đã bứt được dây trói nhảy chồm lên tát người quản tượng rơi xuống đất và ông đã bị chính con voi do mình huấn luyện dẫm chết. Sự lồng lộn của con dã thú đã gây thương tích cho nhiều người và trở thành nỗi kinh hoàng cho tất cả khán giả. Thời Minh Mạng cũng từng xảy ra một sự cố tương tự. Nhân ngày lễ Tứ Tuần Đại Khánh (mừng thọ vua 40 tuổi vào năm 1829), vua ngự thuyền rồng xem một trận thư hùng giữa voi và hổ tổ chức ở bên bờ Bắc sông Hương. Trong khi giao đấu, chúa sơn lâm bứt được dây trói, lao ra và bơi về phía thuyền rồng. Giữa lúc quan binh nhốn nháo hoảng loạn, vua Minh Mạng kịp dùng con sào đẩy lùi được con vật cùng đường. Nhờ vậy, quan quân mới kịp chèo thuyền đến giết chết hổ giữa dòng sông cứu vua kịp thời.


  Do những sự cố này, năm Minh Mạng thứ 11 (1830), vua Thánh tổ nhà Nguyễn đã chọn vùng đất ở thôn Trường Đá, làng Nguyệt Biều, nằm về phía Tây Kinh Thành, xây dựng một đấu trường kiên cố để tổ chức an toàn những cuộc đấu nói trên.


  Hổ Quyền là một đấu trường lộ thiên hình vành khăn. Vòng thành trong cao 5,90m; vòng thành ngoài cao 4,75m. Thành ngoài nghiêng một góc khoảng 10-15o tạo thế vững chãi kiểu chân đê. Chu vi tường ngoài Hổ Quyền là 145m, đường kính lòng chảo là 44m.


  Khán đài vua ngồi ở mặt Bắc của đấu trường, được xây cao hơn so với các vị trí chung quanh và cơi nới ra sau tạo một không gian tương đối rộng. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp đi lên gồm 24 cấp dành cho vua và các quốc thích đại thần. Hai bên có hai hệ thống nữ tường xây bằng gạch hoa đúc rỗng. Bên phải khán đài có một hệ thống bậc cấp khác xây tương tự dành cho quan chức và binh lính. Từ khán đài này nhìn qua phía đối diện, người ta có thể nhận ra 5 chuồng cọp nằm ngay trong lòng đấu trường. Người ta lợi dụng hai vòng tường trong và ngoài của đấu trường để tạo ra vách chuồng. Giữa hai tường thành sẵn có, xây thêm các bức vách bằng gạch để tạo 5 cái chuồng riêng biệt. Hệ thống cửa ở các chuồng hổ là các cửa gỗ được đóng mở bằng cách kéo dây từ trên xuống. Từ khi xây xong Hổ Quyền, nghi thức tổ chức các trận quyết đấu sinh tử giữa voi và hổ trở nên trang trọng hơn trước.



Ngày đấu, dân chúng địa phương quanh vùng đặt hương án, lễ vật. Chung quanh đấu trường bày nghi trượng, cắm cờ dựng lọng. Một đội lính mặc áo đỏ đội nón sơn, cầm khí giới nghiêm trang cung kính đứng hai bên đường từ đấu trường đến bờ sông. Suốt trên đoạn đường này, người ta phải trải chiếu hoa để đón nhà vua. Từ sáng sớm, dân chúng được phép đã hăm hở vào đến nơi để chờ xem trận đấu giữa hai kỳ phùng địch thủ.


  Thường thì đúng giờ Ngọ, vua mới ngự thuyền rồng đến. Khi thuyền áp sát bờ sông, vua lên kiệu che bốn lọng vàng và bốn tàn vàng. Đi trước là lính Ngự lâm quân, rồi Thị vệ cầm cờ Tam tài, cờ Ngũ hành, cờ Nhị thập bát tú, gươm tuốt trần; tiếp theo là đội nhạc cung đình. Các quan quỳ nghênh đón ở chiếu hoa trải trên đường rồi theo vua vào cổng giữa lên khán đài.


  Dưới triều Nguyễn, những trận tử chiến giữa voi và hổ thông thường mỗi năm tổ chức một lần. Các vua Nguyễn là người tổ chức, cũng là người điều khiển, vừa là khán giả rất nhiệt tình cổ vũ cho trận đấu cho đến khi voi giết chết hổ mới thôi. Trận đấu cuối cùng của voi và hổ được tổ chức vào năm 1904 dưới triều vua Thành Thái. Đây cũng là một trận đấu hấp dẫn, đầy kịch tính được nhiều người đương thời chứng kiến và mô tả kỹ.


  Có thể thấy việc tổ chức các cuộc huyết đấu giữa voi và hổ trước hết xuất phát từ nhu cầu rèn luyện tượng binh, một binh chủng rất lợi hại của quân đội xứ Đàng Trong, sau mới được nâng dần lên thành trò giải trí tiêu khiển. Xét trên nhiều mặt, đấu trường Hổ Quyền của nhà Nguyễn vẫn mang tính nhân đạo hơn những đấu trường nô lệ đẫm máu của các đế chế Phương Tây.
Phạm Đức Thành Dũng

Điện Voi Ré



Điện Voi Ré nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía Tây-Nam, cách Hổ Quyền khoảng 400m, trên địa phận thôn Trường Đá thuộc xã Thủy Biều, thành phố Huế. Điện Voi Ré là chứng tích một thời của đội Kinh tượng nhà Nguyễn, đây là một di tích độc đáo thuộc quần thể di tích cố đô Huế.


Truyền thuyết
Dưới thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, trong một trận giao tranh với quân đội Đàng Ngoài, một dũng tướng của Đàng Trong hy sinh giữa trận tiền. Đau buồn trước cái chết của chủ, con voi của vị dũng tướng đã chạy trên một quãng đường dài hằng trăm dặm từ chiến địa về tận thủ phủ Phú Xuân, đến địa điểm phía đông của đồi Thọ Cương, nó đã rống lên một tiếng vang trời như phẫn uất, như đau thương cùng cực rồi phủ xuống trút hơi thở cuối cùng. Cảm động trước sự trung thành của một con vật có nghĩa, dân địa phương đã làm lễ an táng, xây mộ cho nó, nguời ta vẫn gọi một cách mộc mạc là mộ Voi Ré.

Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã cho xây dựng bên cạnh mộ con voi một ngôi điện thờ với tên gọi là Long Châu Miếu để thờ các vị thần bảo vệ và miếu thờ bốn con voi dũng cảm nhất trong chiến trận của triều Nguyễn. Từ truyền thuyết và sự kiện lịch sử như vậy, dân gian quen gọi ngôi miếu này là điện Voi Ré.

Kiến trúc
Điện Voi Ré được xây dựng trên một khu đất rộng, diện tích chừng 2.000m2, nằm về phía Đông Nam đồi Thọ Cương. Đại thần Nguyễn Đức Xuyên, chưởng tượng quân ty Tượng Chính là người chỉ huy việc xây dựng.

Điện Voi ré được xây theo nguyên tắc chung về thuật phong thủy, vận dụng Thành Lồi làm bình phong; hồ Điện tạo minh đường hồ có diện tích khoảng 1.000m², hồ được trồng sen. Kiến trúc điện theo kiểu chũ "môn", bên ngoài có vòng la thành xây bằng gạch. Phía trước cổng tam quan có hệ thống bậc cấp đi lên gồm 17 bậc; bên trên chính giữa ở lối chính có ba chữ Hán bằng sành “Nghiễm Nhược Lâm”. Thẳng theo lối chính, trước khi vào đến sân miếu, là một bức bình phong Long Mã.

Miếu Long Châu nằm ở trung tâm làm theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, gồm năm gian hai chái, mái lợp ngói liệt, tiền đường kiểu vỏ cua. Bên trong trang trí bằng hệ thống liên ba bằng gỗ với 104 ô hộc chủ yếu là chữ Thọ theo lối triện và hoa lá chim muông. Chính giữa ngôi miếu là một bức hoành phi khắc nổi ba chữ Hán màu vàng “Long Châu Miếu”, bức hoành phi này được làm lại mới vào năm Khải Định thứ 2 (1917). Trong điện nguyên xưa có thờ 15 bài vị thờ các vị thần bảo hộ lính. Hiện nay, trong miếu chỉ còn lại bài vị của 4 vị thần là: thần Thiên Sư, thần Chúa Động, thần Hồng Nương, thần Tiền Hậu Khai Khẩn.

Hai bên miếu Long Châu là Đông Phối Điện và Tây Phối Điện, đây là nơi thờ những con voi lập được nhiều chiến công trong trận mạc vào thời kỳ quật khởi dựng xây đế nghiệp của triều Nguyễn, và đồng thời đây cũng làm nơi khoản đãi quan khách sau khi tế lễ. Trước hai ngôi nhà này, còn có hai tòa miếu phụ thờ thần vị voi, còn được gọi là miếu Tượng.
Sau chính điện là hai gò đất, xây thành xung quanh, trước có bia đá đề "Ô Long Tượng Mộ" (mộ voi Ô Long)
Trước đây ở hai miếu hai bên phía trước còn có bốn bài vị khác đề tên tước hiệu được phong của bốn con voi lập nhiều công trạng gồm: Đô Đốc Hùng Tượng Ré; Đô Đốc Hùng Tượng Bích; Đô Đốc Hùng Tượng Nhĩ và Đô Đốc Hùng Tượng Bôn.
 Hồ Điện, nơi voi uống nước thiêng mỗi khi giao đấu với hổ tại Hổ Quyền

Tế lễ
Sau khi điện Voi Ré xây xong, triều đình đã ban cấp thêm nhiều tiền bạc để tổ chức tế lễ hai lần trong mỗi năm vào mùa xuân và mùa thu. Những con voi trung nghĩa đã được suy tôn ngang hàng với thần linh. Đồng thời, nơi đây còn thờ thêm những vị thần khác ở đó để cầu mong bảo vệ cho những con voi nhiều chiến tích. Năm 1825, vua Minh Mạng xét thấy các vị thần đều có công trong việc bảo vệ voi nên đã sắc phong cho điện Voi Ré và ban thêm cho các vị thần danh hiệu "Trợ Oai Tượng Võ Linh Ứng Hộ Tượng chi thần".

Festival Hue 2012


Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2012 đã cho biết, Festival Huế 2012 sẽ diễn ra từ ngày 7-15/4.

Festival Huế năm tới có chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử" gắn với khai mạc Năm du lịch quốc gia 2012 với chủ đề "Du lịch di sản."

Festival Huế 2012 còn gắn với chủ trương của Bộ Ngoại giao về hoạt động "Giao lưu văn hoá Đông Á - Mỹ Latinh thông qua Festival Huế và Hội nghị toàn thể lần thứ 13 Liên đoàn các thành phố lịch sử sẽ diễn ra tại Huế.

Đến nay, đã có 23 nhóm nghệ thuật thuộc 12 quốc gia ở các châu lục đăng ký tham gia. Đáng chú ý, tại Festival Huế 2012, Ban tổ chức sẽ xét chọn các đoàn nghệ thuật tiêu biểu theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả.

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sẽ tiếp tục thực hiện các lễ hội Lễ Tế Giao, Đêm Hoàng Cung và Huyền thoại sông Hương, nhưng có sự điều chỉnh, nâng cao chất lượng và làm mới một số chi tiết. Riêng chương trình "Thiên hạ thái bình" sẽ được làm mới bằng hình thức sân khấu hóa và diễn xướng nghệ thuật cung đình nhằm tôn vinh các giá trị di sản văn hóa Huế.

Các lễ khai mạc, bế mạc tiếp tục đổi mới, độc đáo hơn. Các lễ hội khác như Lễ hội áo dài, Đêm phương Đông, lễ hội đường phố Mỹ Latinh, các chương trình cộng đồng, tour tuyến du lịch khám phá vẻ đẹp vùng đất cố đô Huế cũng sẽ được thiết kế, tổ chức.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế đang hoàn chỉnh đề án tổng thể và nội dung kịch bản các lễ hội, cũng như chọn lựa các chương trình nghệ thuật; đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá... nhằm tổ chức thành công Festival Huế 2012.../.
Quốc Việt (TTXVN/Vietnam+)